Nguyệt San Số 3


Thùy Dương quê em
Tác giả:Dương Đại Trường
Thể loại:Bút ký

            Tôi trở về thăm Thùy Dương vào buổi chiều nhạt nắng của một ngày đầu mùa thu. Sau những năm xa cách quê hương làm người tha phương cầu thực, tôi đã bỏ lại sau lưng mù khơi một hình ảnh quê hương im lìm trong dòng chảy cuộc sống. Kể từ ngày bỏ nước ra đi, đến miền đất hồi sinh Úc Đại Lợi, tôi miệt mài trong những công việc sinh kế mà quên đi những dấu ấn kỷ niệm trong đời mình nơi quê hương yêu dấu.! Quên đến nổi trong tôi không còn nhận ra những gì trong ký ức của tôi với quảng thời gian tuổi thơ trải dài trên những vùng quê nghèo nàn của thời chiến tranh tang tóc! Hay những kỷ niệm cuộc tình đầu đời của thời thư sinh áo trắng sân trường!
       Thùy Dương thuở ấy trong tôi là một vùng biển còn hoang vắng với những ngôi nhà lá nghèo nàn của ngư dân, nằm rải rác ven bờ biển buồn tên, nhuộm màu khói lửa chiến chinh! Ngày đó, không có con đường tráng nhựa phẳng lì từ Long Hải về bãi biển Thùy Dương, khoe mình dưới nắng chiều và san sát những hàng quán giải khát hai bên đường, sập sình âm thanh tiếng nhạc như hôm nay.
       Chiều rơi nhẹ nhàng, tôi lang thang trên con đường từ Phước Hải qua Thùy Dương mà lòng chợt thức giấc với hoài niệm của một ngày xa xưa mà có lần tôi vừa mới rời ghế nhà trường, vứt áo thư sinh theo tiếng gọi núi sông lên đường, tập tểnh vào đời binh nghiệp, làm phóng viên chiến trường, theo đơn vị của VNCH hành quân qua xóm nhỏ hướng về mật khu Minh Đạm truy quét cộng quân. Xóm nghèo ngày xưa trong trí nhớ của tôi có chút êm đềm, thơ mộng, dù quê hương tôi đang chìm đắm trong đau thương với cuộc chiến huynh đệ tương tàn. Bây giờ, trước mắt tôi, khu xóm nghèo được nổi bật với những dãy nhà nguy nga lộng lẩy, nhìn ra biển cả mênh mông có từng nhóm du khách tắm biển chiều và những chiếc ca-nô lướt sóng ngoài khơi, nước văng tung tóe dưới nắng hoàng hôn, tiêu biểu cuộc sống thuộc  tầng lớp trưởng giả của một quốc gia giàu mạnh giả tạo, phù du. Và trên đường phố với những quán cafê lấp lánh ánh đèn màu, vang lên âm thanh chát chúa của những bản nhạc new waves, và có nhiều cô tiếp viên áo quần sặc sở, trang điểm má phấn môi hồng, buông thả cuộc đời trong cuộc sống thác loạn, thiêu thân trong đồng đô-la của thời buổi kinh tế thị trường!!
       Thùy Dương hôm nay dưới mắt tôi, chỉ còn được trong lòng một ấn tượng đẹp với không gian của buổi hoàng hôn đang về trên bãi biển cát trắng, lẫn lộn những tảng đá bị sóng biển bào mòn trơn nhẵn, nằm rải rác đó đây. Nước biển xanh một màu tươi mát, sạch sẽ, không có những đám bọt màu gạch cua như một vài bãi tắm khác trong vùng. Trên bờ biển là những khu nhà lợp lá dừa, thiên nhiên hóa, để đáp ứng sở thích du khách, nép mình dưới những hàng dương xanh cao ngất. Phòng nghỉ dành cho du khách cũng được bố trí theo nhiều kiểu khác nhau. Có phòng làm theo kiểu nhà dân tộc Tây Nguyên, xung quanh được ghép bằng tre trúc, có phòng lại nép mình bên những tảng đá lớn, hoa và cây trùm kín. Tất cả cùng quay ra biển đón gió và lấp lánh ánh trăng tan trong những đêm trăng sáng chiếu xuống mặt biển.  
       Bên cạnh những khu nhà nghỉ trên biển là khu rừng hoa anh đào đang mùa trổ bông. Đứng trên cao nhìn xuống như một tấm thảm trắng vàng chạy dài xa tít. Cách khu nghỉ của du khách không xa là ngôi chùa Pháp Hoa, thường gọi là Chùa Khỉ. Tên gọi Chùa Khỉ là vì ở đây có đến vài trăm con khỉ sống tự do trên núi và quanh chùa. Cảnh vật giống như một miền sơn cước. Những tảng đá, hang động hình thành một cách tự nhiên, có nhiều hình thù ngộ nghĩnh. Không khí mát mẻ, rộn tiếng chim, tiếng ve và tiếng khỉ gọi bầy. Rải rác trên núi có vài tấm đá bằng phẳng được che mát bằng những mái nhà lợp lá dừa nước hình lục lăng, bát giác, có võng mắc để du khách nghỉ chân. Đứng ở đây phóng tầm mắt ra ngoài khơi sẽ thấy một vùng biển xanh ngát, trải rộng đến vô tận.
        Tôi đi một vòng trên bãi biển ngắm hoàng hôn xuống. Gió hiu hiu nhẹ làm lăn tăn những con sóng dạt vào bờ, tạo âm thanh rì rào như ru lòng người lữ khách trở về thăm quê xưa! Bóng tối bắt đầu bao trùm không gian, mặt biển trở thành một vùng đêm đen vô tận.Tôi đi trở lại khu nhà nghỉ dành cho khách trọ giá bình dân, thuê phòng nghỉ qua đêm. Một đêm đầu tiên cho tôi nhiều hồi tưởng và dạt dào kỷ niệm của ngày xưa trở về trong tôi!
       Hôm qua đi đường xa mệt mỏi nên tôi thức dậy trể! Mặt trời đã lên cao, ánh nắng xuyên qua khe vách của căn phòng, nhắc nhở cho tôi giờ trưa đã đến. Tôi thay vội quần áo rồi thả bộ xuống bãi biển tìm quán ăn. Nhưng thú vị nhất đối với tôi là ăn quà rong, nên khi thấy những người dân địa phương gánh hàng rong đi bán trước mắt, là tôi gọi ngay cô hàng gánh dừng lại để tôi ăn no dạ dày. Những gánh hàng rong trên bãi biển Thùy Dương thường là đặc sản địa phương miền biển như: Ghẹ, cá đối, tôm sú, mực..mà họ mua từ những ghe lưới vừa cập bến, còn tươi rói. Theo tôi, cảm giác ăn hàng rong kiểu nầy, ngay cả dân sành ăn, từng ngồi mòn ghế nhiều quán hải sản ở Sài Gòn, cũng không tìm được cảm giác mới mẻ ăn ngoài đường như tôi đang ngồi ăn bên gánh hàng rong của người dân địa phương đầy ắp hải sản tươi miền biển. Ngồi chờ bếp than đỏ rực nướng chín những con tôm, con ghẹ trên bãi cát... đã làm tôi ngây ngất với mùi thơm thức ăn trộn lẫn hương gió biển đậm đà. Món nước chấm cho tất cả các món đồ biển ở địa phương đây cũng khá đặc biệt. Nó không phải là muối tiêu chanh như ở Sài Gòn mà là muối hột giã ớt vắt quả tắc chua chua, ngọt ngọt, mang lại một mùi vị khác lạ hơn so với những món nước chấm thông thường nơi các quán ăn ở Sài Gòn.  
        Ăn trưa xong, tôi đi tìm quán giải khát để ngồi uống nước và nghỉ ngơi giây lát, trước khi đi tham quan vài nơi khác. Tôi ghé vào một quán nước mía bên đường, đoạn giữa của bãi biển Thùy Dương và Long Hải. Quán nước mía nầy là địa điểm lý tưởng  nghỉ chân và giải khát của khách đi đường từ Long Hải về Phước Hải, nên quán thường rất đông người những khi trời nắng nóng. Tôi ngồi nơi phía góc  trái của quán, gọi ly nước mía giải khát. Một cô gái dựng chiếc xe gắn máy hiệu Dream bên gốc cây, bưóc vào quán ngồi xuống bàn bên cạnh tôi, tay cầm nón vải làm chiếc quạt cho khô mồ hôi thấm áo trên người. Cô gái trạc tuổi hai mươi lăm, đôi mắt đượm nét dịu buồn và phảng phất trên gương mặt tính hiền hậu của người thôn nữ có thân hình cao, nước da hơi trắng, pha nhẹ màu rạm nắng miền biển mặn Thùy Dương. Cô gái không gọi nước uống, vẫn ngồi im lìm ngó bâng quơ ra ngoài như đang suy tư về một điều gì đó! Tôi thấy cử chỉ dịu hiền và dể thương của cô gái, nên tò mò gợi chuyện:
- Em là người của địa phương hay từ xứ khác đến?
    Cô gái hé môi cười mỉm, lịch sự đáp:
- Dạ! Nhà em nơi Xóm Bảo, xã Phước Hải.
      Cô gái nhìn tôi hỏi lại:
- Còn anh ?
      Vì muốn che giấu thân phận Việt Kiều, tôi đáp:
- Tôi từ Sài Gòn đến đây! Tham quan miền Thùy Dương cho biết.....
     Cô gái ngắt lời tôi:
- Anh đi theo đoàn hay đi cá nhân?
- Một mình tôi...
       Nét duyên dáng của cô gái làm cho tôi muốn tìm hiểu thêm, nên tôi ngỏ lời làm thân thiện:
- Em tên gì?
- Em tên Ngọc Ly.
      Rồi tôi tự giới thiệu :
- Anh tên Trường.
      Ngọc Ly không hỏi thêm về tôi, khuôn mặt hơi ửng hồng, nhìn ra ngoài hiên như cố giấu sự e thẹn.  Nhìn cử chỉ Ngọc Ly, tôi hỏi tiếp làm quen:
- Xóm Bảo cách đây bao xa?
- Dạ! Chừng hơn hai cây số.
        Qua trò chuyện lúc lâu, tôi được Ngọc Ly cho biết địa chỉ nhà và hứa ngày hôm sau sẽ làm hướng dẫn viên cho tôi đi tham quan vài nơi thắng cảnh trong vùng bãi biển Thùy Dương. Sẳn có xe Dream, nên nhờ Ngọc Ly đưa tôi về nhà trọ. Đã lâu rồi tôi mới có dịp chạy xe gắn máy trên đường quê hương vào buổi chiều nhạt nắng, gió hiu hiu. Cái cảm giác lái xe gắm máy trên đường quê, gợi nhớ cho tôi những kỷ niệm ngày xưa, thời còn là học sinh trung học. Năm đó tôi đang học lớp đệ ngũ, lớp tám theo hệ thống giáo dục ngày nay. Cũng một buổi chiều mùa thu đầu năm học, sau ba tháng nghỉ hè, tôi và những người bạn học rủ nhau về quê chơi. Trên con đường lõm chõm ổ gà, tôi chở một người bạn gái cùng lớp, chạy xe chầm chậm ngắm cảnh đồng quê hai bên đường. Mãi mê nhớ về kỷ niệm nên tôi quên quẹo xe vào con đường hướng về phòng trọ, Ngọc Ly nói nhắc:
- Anh Trường! Anh đã qua khỏi đường vào khu nhà trọ...
       Tôi quay xe trở lại, nhờ hướng dẫn của Ngọc Ly đi theo con đường tắt nên chẳng mấy chốc tôi về đến nhà trọ. Tôi xuống xe nói lời chào Ngọc Ly:
- Hẹn gặp lại em ngày mai.
       Nơi chân trời phía tây, nắng hoàng hôn đã nhạt, hiện lên dãy núi Minh Đạm mờ trong mây chiều, giống như một bức tranh sơn thủy khổng lồ treo giữa không trung. Trong tôi, một cảm giác nhớ nhung nhè nhẹ, len lén vào hồn tôi! Đó là hình ảnh cô gái tôi vừa mới quen trên đường quê: Ngọc Ly...
      Đúng như lời hứa, sáng sớm Ngọc Ly đến chở tôi đi tham quan những vùng du lịch xung quanh Thùy Dương. Điểm đầu tiên chúng tôi ghé qua là Chùa Khỉ. Tên gọi đầy đủ là Thiền Viện Chơn Nguyên, nhưng vì nuôi rất nhiều khỉ nên người ta quen gọi là Chùa Khỉ”. Loài vật tinh khôn này vốn sống hoang dã trên núi, sau đó được các sư cho ăn, đến khi quen hơi, chúng tìm xuống chân núi mỗi ngày. Chúng tôi được người hướng dẫn viên du lịch cho biết, lúc đầu chỉ vài ba chục, giờ số khỉ đã lên đến hằng trăm con. Du khách đến đây thường mang theo chuối và các loại trái cây, cho khỉ ăn rồi mới tham quan cảnh đẹp. Nổi bật giữa muôn ngàn cây lá xanh tốt, những tuyệt tác từ đá do thiên nhiên kiến tạo sẽ làm cho du khách ngạc nhiên đến thú vị. Một vài tảng đá trên núi được điêu khắc tạo hình: Một tảng đá lớn hình dáng như tượng đầu Phật gợi sự an lành; một tảng đá khác giống như một con voi khổng lồ quỳ phục; một cây bồ đề trăm tuổi, gốc và rễ len lỏi trong từng hốc đá gợi nhớ dáng cây Kơnia trên vùng Tây Nguyên...Tất cả làm nên nét độc đáo của ngôi chùa mà không nơi nào có được.
      Rời Chùa Khỉ, tôi khẻ bảo Ngọc Ly:
- Chúng ta đi tham quan một nơi nữa rồi ăn trưa?
      Đã có chuẩn bị trước, Ngọc Ly trả lời:
- Em mời anh đến nhà em dùng bửa cơm trưa? Sáng nầy em có nói với mẹ chuẩn bị.
        Sẳn dịp tôi muốn biết thêm về gia đình Ngọc Ly, nên khi nghe Ngọc Ly đề nghị, tôi đáp nhanh:
- Anh rất hân hạnh được gia đình em mời đến nhà!..
         Tôi thấy trong lòng vui mừng về nhả ý của gia đình, hối thúc Ngọc Ly:
- Địa điểm kế tiếp chúng ta đi đâu?
- Mình đi tham quan Dinh Cố.
       Trên đỉnh núi Dinh Cố có một ngôi miếu được xây dựng công phu trên những khối đá lớn. Theo lời truyền đó là miếu thờ một hiền nữ, còn gọi là Dinh Cố. Núi Dinh Cố không cao lớn, hình dáng như một chiếc nón khổng lồ úp trên cánh đồng Tam An. Lên Dinh Cố, du khách không quên vào miếu Hiền Nữ thắp hương. Theo nhân dân Tam An, từ khi Bà Cố qua đời ngọn núi này trở nên linh thiêng. nên dân chúng thường hay đến cúng váy để cầu xin bình an.
      Tham quan xong Dinh Cố thì trời đã quá trưa, tôi cảm thấy đói bụng nên bảo khéo Ngọc Ly:
- Chúng ta về nhà, kẻo mẹ chờ cơm trưa...
- Dạ! Chúng ta về
        Nhà Ngọc Ly tọa lạc nơi Xóm Bảo, nằm trên khu đất rộng chừng hơn một sào. Xung quanh nhà có trồng vài loại cây ăn trái: Mận, ổi, cam...Nhìn sơ qua, tôi đoán biết được đây là gia đình thuộc tầng lớp dân lao động có mức sống trung bình trong xã hội hiện thời. Cha của Ngọc Ly làm công cho một gia đình hành nghề đánh bắt hải sản trong xóm. Bản thân Ngọc Ly làm công nhân cho công ty xuất khảu hải sản ở Long Hải, sáng đi tối về, mỗi ngày lái xe một đoạn đường dài hơn mười cây số!
       Hôm nay tôi được gia đình Ngọc Ly thết đãi rất nồng hậu. Trên bàn nhiều món ăn đặc sản địa phương nổi tiếng như: Bánh nghệ, canh chua tương me, ốc mỡ.v..v....Ngọc Ly nhìn tôi, cười e thẹn chỉ vào món canh chua tương me, khẻ nói:
- Món canh chua nầy do em nấu, anh ăn thấy dở đừng chê.!
- Canh chua em nấu rất ngon và hợp sở thích của anh.
- Anh khen em để lấy lòng?
- Anh nói thật mà! Lần đầu tiên anh được ăn canh chua tương me.
- Đây là món ăn đặc sản lâu đời của xã Phước Hải. Thông thường, canh chua tương me nấu với đầu cá thiều hay cá đù. Gia vị thì gồm có: Me, tương hột, ngò gai, sả và vài trái ớt...
        Qua chuyện trò thân mật, tôi được hiểu thêm về hoàn cảnh gia đình của Ngọc Ly. Vì là chị cả  trong gia đình có bốn anh chị em nên Ngọc Ly gánh vác tất cả công việc nhà, nhất là lo thiếu đủ vật chất cho gia đình trong hoàn cảnh khó khăn của xã hội hiện thời!  Tôi nhìn Ngọc Ly trong lòng dâng lên niềm thương cảm. Có lẽ ở điểm nầy mà tôi có chút tình cảm bắt đầu xâm chiếm lòng tôi. Ngọc Ly thấy tôi nhìn chăm về hướng mình, bẽn lẽn hỏi sang chuyện khác:
- Anh bao giờ về lại Sài Gòn?
- Ngày mai!
      Nghe tôi nói ngày mai về lại Sài Gòn, trên khuôn mặt thoáng hiện nét buồn, Ngọc Ly nhìn tôi:
- Anh có dự tính trở lại Thùy Dương lần nữa không?
      Biết Ngọc Ly có chút tình lưu luyến, nên tôi trả lời:
- Có dịp thì anh sẽ về lại Thùy Dương để thăm em chứ!
     Ngọc Ly nhẹ giọng:
- Em mong ngày đó!
       Ăn cơm xong, tôi nhờ Ngọc Ly chở tôi đi tham quan một vòng bãi biển Thùy Dương. Chúng tôi chạy xe dọc theo bờ biển. Gió từ ngoài khơi thổi vào làm tóc Ngọc Ly bay về phía sau, tạo mùi thơm gợi cảm. Xe chạy qua khỏi khách sạn Thùy Dương, tôi gợi ý:
- Chúng ta đến quán giải khát nơi cuối bãi trò chuyện?
     Ngọc Ly gật đầu đáp:
- Dạ! Mình ngồi ở những quán đó nhìn ra biển khơi, khi chiều xuống rất đẹp! Những hôm buồn em hay ra chỗ nầy ngắm chiều rơi cho vơi đi sầu muộn!
     Biển chiều nay rất êm đềm. Mặt biển phẳng lặng, thỉnh thoảng một cơn gió nhẹ làm gợn sóng, nhấp nhô con tàu ngoài khơi, lấp lánh ánh chiều tà. Chúng tôi ngồi ngã người vào lưng ghế, nhìn ra biển khơi, không nói với nhau lời nào. Ánh mắt của Ngọc Ly nhìn về phía xa xa như đang suy nghĩ điều gì trong đầu. Tôi quay sang Ngọc Ly, khẻ hỏi:
- Em! Đang nghĩ ngợi chuyện gì?
- Những ý nghĩ vẫn vơ!
      Rồi Ngọc Ly thở dài nói tiếp:
- Phải chăng thời gian bây giờ ngừng trôi, để chúng ta ngồi đây bên nhau!
      Tôi hiểu được cảm tình của Ngọc Ly dành cho tôi nên bày tỏ nỗi lòng:
- Anh cũng vậy! Anh muốn hoàng hôn vẫn mãi, nắng chiều vẫn còn vương, để làm chứng cho sự bắt đầu cuộc tình chúng ta!

           Adelaide mùa thu 2009
         Riêng tặng cho Ngọc Ly
người con gái miền cát trắng Thùy Dương